NHỮNG HIỂU BIẾT VỀ MẬT ONG

 

Tôi không có nhiều kinh nghiệm về mật ong, nhưng cũng xin chia sẻ với các bạn một vài ghi nhận. Tôi làm việc tại sân golf Thủ đức đã hơn 20 năm, nơi đây nguyên thủy là vườn Điều cũ rộng 300 ha của Công ty Lâm viên. Hiện nay, ngoài hai sân golf chiếm khoảng 120 ha, Khu Biệt thự LakeView nhìn ra một hồ tự nhiên rộng 13 ha như cái tên gọi của nó, còn tồn tại 1 khu rừng nhỏ. Từ khu rừng này chúng tôi còn được nghe “tiếng Ve kêu rộn rã gọi mùa Hè” và cũng từ đó, nhiều đàn ong bay ra tìm nơi gầy dựng tổ mới trong những tán cây ven các đường golf. Những tổ ong này thật là tội nghiệp, vì chúng buộc phải bị lấy đi để tránh gây nỗi sợ cho khách, từ khi có người khách bị Ong Vò vẽ tấn công. Chỉ chúng tôi mới có thể phân biệt được đâu là tổ Ong Vò vẽ, loài ong hung tợn, tuy vậy, tổ ong nào cũng phải lấy đi hết. Thật là buồn cho bọn Ong.

Từ việc thu mật nơi những tổ ong săn lùng bất đắc dĩ, chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với mật ong rừng, một sản phẩm dường như được liệt vào hàng quý hiếm, trong cái thời đại mà “cái gì cũng giả”. Tôi muốn nêu lên trong bài viết này quan điểm về mật ong: chỉ có mật ong giả và mật ong thật là vấn đề cần nhận biết. Mật ong nuôi bản thân nó không phải là sản phẩm không tốt so với mật ong rừng tự nhiên.

Tôi có đọc được những tư liệu dựa trên kinh nghiệm thực tế từ ong rừng Tây Bắc của tác giả Phạm Tân-Hoabanfood (sau đây xin gọi tắt là Tác giả). Theo tôi, đó đúng là những tư liệu quý báu về mật ong. Các tư liệu ấy có thể tóm tắt mấy ý như sau:

1. Mật ong rừng tự nhiên được ong lấy từ nhụy các loài hoa đa dạng trong rừng theo mùa lấy mật của chúng, trong khi mật ong nuôi được người nuôi chủ động đưa tổ ong đến các khu vực có hoa nở theo mùa (như hoa Quỳ dại, hoa Vải, hoa Nhãn, hoa Cà phê, hoa Cỏ lào…). Như vậy, mật ong rừng và mật ong nuôi đều có nguồn gốc từ tự nhiên, hay nói đúng hơn chúng đều là sản phẩm từ nhụy hoa qua sự chế biến tài tình của lũ ong cần mẫn.

2. Ong rừng làm mật từ khả năng tự nhiên, người ta khai thác mật theo thời vụ tự nhiên của chúng, liên quan đến mùa trong năm. Trong khi đó ong nuôi được con người hỗ trợ khi vào mùa không có mật hoa, chúng được cung cấp thêm đường để duy trì sự sống, không phải để làm ra mật.

3. Những cách phân biệt mật ong rừng và mật ong nuôi được truyền bá trước giờ có phần không chính xác. Tác giả dựa trên tính chất của mật ong rừng mà ông hiểu biết tường tận qua nhiều năm tháng để đánh giá lại các cách phân biệt đó và đưa ra cách phân biệt duy nhất là dựa vào mùi và vị. (Điều này làm tôi nhớ đến các chuyên gia thử rượu). Mật ong rừng có mùi thơm hơn mật ong nuôi và có vị ngọt rất khác với mật ong nuôi. Và thật thú vị, là khác với rượu, các chuyên gia nếm mật lại chính là bọn trẻ con, vừa ăn mật ong nuôi xong là sẽ có tiếng kêu “mẹ ơi” liền tức khắc… do chúng nhận ra sự khác biệt. Ôi, như vậy thật xứng đáng cho lũ ong chịu khó bay xa đi tìm mật trong những khu rừng muôn màu muôn vẻ.

4. Một điểm mà mật ong rừng dễ bị ngờ vực là hiện tượng đóng đường (có khi bị nghi oan là mật bị độn đường vào). Vì bản chất của mật là đường nên nó cũng bị kết tinh đường khi để trữ trong một thời gian dài hay vào mùa lạnh.

Người tiêu dùng đọc được những tài liệu nói trên có thể yên tâm là mình đã có kiến thức đủ để chọn mật ong, không còn gì phải hoang mang nữa. Tuy nhiên cũng nên mua mật ong tại các cơ sở có uy tín.

Ông xã tôi làm trong ngành Cao su. Một bữa nọ anh bảo tôi trả 500 ngàn cho một lít mật của các công nhân lấy từ lô Cao su bên Lào đem về. Tôi ngạc nhiên vì cho là quá đắt. Anh giải thích: mùa này mật có mà ít lắm em, trong một tổ, nếu vào cuối mùa nắng trước mùa mưa thì mật nhiều, mà vào đầu mùa nắng sau mùa mưa thì lượng mật trong tổ chỉ còn bằng một phần tư thôi. Vậy đó, dùng sản phẩm tự nhiên thì phải trả một giá trị tương ứng với quy luật của tự nhiên, hay còn gọi nôm na là “trái vụ”.

Tôi thường “động lòng trắc ẩn” thương cho lũ ong mỗi khi công nhân của tôi hả hê đem về một cái tổ. Thấy vậy họ an ủi tôi rằng đó không phải là “một hành động diệt chủng” vì bọn ong sẽ tự bỏ tổ ra đi gầy dựng cơ ngơi mới, một khi vùng đóng quân của chúng cạn nguồn mật hoa. À vậy ra đó là một tập quán của chúng mà đã cho con người một nguồn thức ăn bổ dưỡng.

Nguyễn Kim Thoa

Tham khảo: Các tư liệu biên soan của tác giả Phạm Tân-Hoabanfood (www.hoabanfood.com)

 

Bài liên quan: