Cẩm tú cầu với những bông hoa to tròn, rực rỡ sắc màu là lựa chọn lý tưởng để tô điểm cho khu vườn thêm phần sinh động. Loài hoa này được yêu thích bởi vẻ đẹp lộng lẫy và thời gian nở hoa kéo dài từ mùa xuân sang đầu mùa hè. Mặc dù có nguồn gốc từ xứ lạnh, nhưng với điều kiện và cách chăm sóc phù hợp, cẩm tú cầu hoàn toàn có thể phát triển tốt tại Việt Nam. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn kiến thức và những lưu ý quan trọng để trồng và chăm sóc cẩm tú cầu tại nhà hiệu quả.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Cẩm Tú Cầu là gì?
Cẩm tú cầu, hay còn gọi là hoa bát tiên, có tên tiếng Anh là Hydrangea. Cái tên Hydrangea xuất phát từ tiếng Hy Lạp “hydro” nghĩa là “nước”, có lẽ bắt nguồn từ đặc tính ưa nước của loài hoa này. Cẩm tú cầu có nguồn gốc từ vùng ôn đới.
Điểm đặc biệt ở cẩm tú cầu là hoa vô tính, màu hoa lúc đầu là trắng, sau đó biến dần thành màu lam hoặc hồng, phụ thuộc vào độ pH của đất trồng.
Tại Việt Nam, cẩm tú cầu được trồng nhiều ở Đà Lạt và loại phổ biến nhất là Mophead Hydrangea, thường được biết đến với cái tên cẩm tú cầu Pháp. Loại cẩm tú cầu này sống lâu năm, thân cây bụi thảo, lá mọc đối xứng theo từng đốt trên thân, lá to, hoa mọc thành chùm ở đầu cành chủ yếu là màu hồng, trắng, tím. Hoa nở rộ từ mùa xuân đến mùa hè và kéo dài đến tận đầu thu.
Ngoài ra, còn có một loại hoa tú cầu phổ biến ở Việt Nam có tên tiếng Anh là Charm Hydrangea. Cây sinh trưởng quanh năm, có hình dáng giống cây nghệ. Mùa đông, cây lụi. Mùa xuân và hè cây sinh trưởng tốt và ra hoa kéo dài đến mùa thu. Hoa mọc thành từng chùm màu đỏ nên được gọi là hồng tú cầu, lại nở đúng dịp quốc khánh nên còn có tên dân gian là hoa quốc khánh.
Kỹ thuật trồng cẩm tú cầu
Ba lưu ý quan trọng nhất để trồng được hoa cẩm tú cầu khỏe mạnh, cây có nhiều hoa lớn là: thời gian trồng, đất trồng và kỹ thuật trồng.
Thời gian trồng cẩm tú cầu
Cẩm tú cầu nở rộ từ mùa xuân đến mùa hè, vì vậy thời gian tốt nhất để trồng cẩm tú cầu là mùa thu, tiếp theo là đầu mùa xuân. Bởi lẽ, trồng hoa vào thời điểm này sẽ giúp cây có đủ thời gian để phát triển bộ rễ khỏe mạnh trước khi cây tập trung dinh dưỡng để nở hoa.
Thời gian tốt nhất trong ngày để trồng cẩm tú cầu là sáng sớm hoặc chiều muộn. Vì cẩm tú cầu là loài cây ưa nước, nên nếu trồng vào thời điểm khác trong ngày, cây có khả năng bị mất nước, chết khô.
Đất trồng tốt nhất cho cẩm tú cầu
Cẩm tú cầu phát triển tốt trong đất chứa nhiều chất hữu cơ. Mặc dù cẩm tú cầu là loài cây ưa nước, nhưng chúng không thể sống trong điều kiện đất bị ngập úng. Vì vậy, cần đặc biệt lưu ý đến khả năng thoát nước của đất. Đất sũng nước, thoát nước kém có thể gây thối rễ cây và trong khoảng 1 đến 2 tuần sau, cây có khả năng cao bị chết úng.
Để cải thiện chất đất, bạn có thể trộn phân ủ hữu cơ với đất để tăng thêm dinh dưỡng cho đất, giúp cây mau mọc rễ và nở hoa to, đẹp hơn.
Kỹ thuật trồng cẩm tú cầu
Để trồng cẩm tú cầu, bạn cần đào hố trồng cây rộng hơn 0,6m so với độ dài của rễ cây, điều này giúp cây có đủ không gian để phát triển bộ rễ. Sau khi trồng, bạn nhớ vun nhẹ đất xung quanh thân cây để tạo thành gò đất nhỏ giúp đất thoát nước tốt hơn.
Những lưu ý khi trồng cẩm tú cầu
Một trong những vấn đề lớn nhất của người trồng cẩm tú cầu gặp phải là cây bị héo rũ vào mùa hè. Nhiều người nghĩ rằng, cẩm tú cầu là cây xứ lạnh nên không phù hợp trồng với thời tiết mùa hè ở Việt Nam.
Thật ra, đây là một quan niệm sai lầm. Cũng giống như cây tường vi cánh mỏng hay cây bàng lăng vào mùa đông rụng hết lá, cành khẳng khiu, cẩm tú cầu vào mùa hè trông héo rũ, rụng lá là hiện tượng bình thường. Bởi mùa hè không phải là mùa phát triển của cây, khi thời tiết thích hợp cây sẽ khỏe mạnh lại bình thường.
Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn duy trì sức sống của cẩm tú cầu cho đến mùa phát triển và cây có hoa đẹp thường xuyên.
Cắt cành
Cắt cành là một yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển của cây. Có hai lợi ích khi thực hiện cắt cành cho cây hoa cẩm tú cầu.
Thứ nhất, cắt cành giúp cây dưỡng sức. Cẩm tú cầu có thân cây to, cành lá sum xuê, vì vậy cây cần vận chuyển một lượng lớn chất dinh dưỡng đi nuôi cành, lá cây. Việc cắt cành giúp cây hạn chế vận chuyển dinh dưỡng đến cành, lá mà tập trung phát triển bộ rễ khỏe mạnh, vượt qua thời tiết khắc nghiệt.
Thứ hai, cắt cành giúp kích thích mầm mới phát triển. Bởi dinh dưỡng tụ vào phần gốc của cây, nên khi cắt cành những mầm mới sẽ tụ lại ở gốc cây, khỏe hơn và đẹp hơn cành cũ.
Vì vậy, ở Việt Nam, hoa cẩm tú cầu sẽ phát triển theo đặc tính: mùa hè – tỉa cành, thu đông – phát triển cành lá, mùa xuân – kết nụ, đầu hè – hoa nở rộ và tàn.
Tưới nước
Ngay từ tên gọi của nó – Hydra có nghĩa là “nước”, cẩm tú cầu rất ưa nước. Bởi vậy, khi mùa hè đến, bạn cần đặc biệt chú ý không để cẩm tú cầu bị mất nước, nếu không cây sẽ héo rũ, yếu dần. Cẩm tú cầu có bộ rễ dài, to, khỏe vì vậy nếu cây đủ nước, cây được cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ, cành lá sẽ mập, tươi tốt.
Bạn hãy tưới nước cho cây thường xuyên, lá hoa cẩm tú cầu cũng rất thích được vẩy nước. Nếu thời tiết quá khắc nghiệt, hãy phủ thêm một lớp mùn hữu cơ (lá khô, vỏ trứng…) quanh gốc cây để hạn chế bốc hơi nước.
Mặc dù hoa cẩm tú cầu thích nước, nhưng nếu tưới quá nhiều nước có thể khiến rễ hoa bị ngập úng. Nên tưới nước vào sáng sớm và chiều muộn để hoa cẩm tú cầu không bị héo rũ trong những ngày nắng nóng.
Để cây vào chỗ râm mát, bón phân kích chồi
Hoa cẩm tú cầu có đặc tính thích nước, bởi vậy nếu thấy cây có hiện tượng héo lá, rụng cành hãy đặt cây vào chỗ râm mát. Bởi nếu cây ở ngoài nắng quá lâu, cây sẽ nhanh mất nước.
Để cây ra nhiều hoa to, hoa nở rộ đúng mùa, bạn hãy bón phân kích chồi cho cây. Phân bón có khả năng kích chồi là phân đạm (N).
Kết luận
Trồng cẩm tú cầu không hề khó nếu bạn nắm vững kỹ thuật và những lưu ý quan trọng. Hãy bắt tay vào trồng ngay hôm nay để chào đón những bông cẩm tú cầu xinh đẹp khoe sắc trong khu vườn nhà bạn!